Cần thống nhất giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật Phòng thủ Dân sự
Đánh giá cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu quốc hội và dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện. Một số đại biểu đề nghị, về khái niệm “Đối tượng dễ bị tổn thương” tại khoản 4, Điều 2, các đại biểu đề nghị điều chỉnh một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cần mở rộng đối tượng được áp dụng các biện pháp trong phòng thủ dân sự cấp độ II, cấp độ III
Về khái niệm “sự cố” được quy định trong dự thảo luật, có ý kiến cho rằng, hiện nay có khoảng gần 10 luật có quy định thế nào là “sự cố”, trong đó đã bao hàm những sự cố có nguyên nhân từ thiên nhiên, con người, đều gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả thiệt hại về người, tài sản, môi trường. Vì vậy, ban soạn thảo cần nêu rõ khái niệm “sự cố” ở dự thảo luật này để đảm bảo không có khoảng trống về pháp luật.
Một số ý kiến cũng đề nghị cần quy định rõ hơn cơ chế giám sát; biện pháp quản lý, sử dụng nguồn thu do tổ chức, cá nhân vận động được, phòng ngừa tiêu cực. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động phòng thủ dân sự, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp địa phương trong xử lý sự cố, thảm họa, thiên tai, địch họa...
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến cho rằng, phòng thủ dân sự là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, vì vậy, cần sửa đổi thành: “Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự”./.
Thực hiện: Thu Hương - Quốc Hùng