Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn
Tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Mức này chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Việc liên tục giảm lãi vay thời gian qua được xem là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ cũng không có nhu cầu vay bởi vay không biết để làm gì khi mà các đơn hàng không có.
Bên cạnh những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vay vốn nhưng không có đầu ra thì còn có những doanh nghiệp có đơn hàng nhưng vay không đủ vốn hoặc không đủ điều kiện vay. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
Để đẩy nhanh giải ngân tín dụng, nhiều ngân hàng cũng đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện "may đo" sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn.
Ngoài giải pháp liên quan đến tín dụng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mấu chốt hiện nay là phải “sưởi ấm” tổng cầu, doanh nghiệp giải phóng được tồn kho mới có dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh – Chí Phương