Đây là công trình được kỳ vọng sẽ giải tỏa ách tắc giao thông tại điểm đen ùn tắc giao thông – đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi thông xe đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại một số nút giao xung quanh hầm.
Mặc dù sau khi thông hầm chui, giao thông ở khu vực nút giao Lê Văn Lương - Vành Đai 3 có phần “dễ thở” hơn vào giờ cao điểm. Tuy nhiên tại một số nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân... hướng về trung tâm thành phố vẫn ùn tắc cục bộ, các phương tiện di chuyển khó khăn.
Dọc đường Lê Văn Lương, Tố Hữu có nhiều ngã ba, lòng đường khá hẹp, lại có làn dành riêng cho xe BRT. Do đó, khi việc lưu thông qua hầm chui nhanh hơn thì các khu vực nút giao lân cận như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trung Văn, Vũ Trọng Khánh… sẽ gánh chịu áp lực giao thông lớn hơn.
Hầm chui Lê Văn Lương sẽ phát huy tác dụng rất lớn cho cả khu vực, nhưng cũng sẽ đẩy áp lực giao thông về hai phía. Dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao lân cận với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Trong khi khả năng tiếp nhận, giải tỏa áp lực của nút lại rất khiêm tốn. Cần tính đến những giải pháp mang tính kỹ thuật như điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội có thể xem xét triển khai một dự án cầu vượt nhẹ theo hướng trục thông trên đường Hoàng Minh Giám, vượt qua nút giao với đường Lê Văn Lương. Như vậy sẽ góp phần đồng bộ và tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho cả khu vực.
Thu Hương - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.