Cẩn trọng với thói quen lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc
Mỗi lần đi cắt tóc, anh Trương Thịnh lại yêu cầu thợ cắt tóc lấy ráy tai cho mình. Cảm giác dễ chịu, giảm stress nên anh coi đây là thói quen bình thường.
Còn với anh Tấn Dũng, sau một lần đi cắt tóc, nghe nhân viên mời chào dịch vụ lấy ráy tai, anh đã thử và rồi trở thành “khách ruột” lấy ráy tai tại quán.
Theo các chuyên gia y tế, ráy tai được bài tiết tại ống tai ngoài vùng lông tai, có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào, bảo vệ màng nhĩ và tai giữa. Trong khi đó, khi tai bị ù, nghe kém hay ngứa tai… mọi người thường có thói quen sử dụng bông tăm, các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn hay đơn giản là móng tay để ngoáy lỗ tai. Cũng không khó bắt gặp các trường hợp đi cắt tóc ở tiệm rồi nhờ thợ lấy ráy tai để có cảm giác được thư giãn. Tuy nhiên, tại các tiệm cắt tóc, dụng cụ vệ sinh tai thường được sử dụng chung cho nhiều người nên sẽ chứa các loại vi khuẩn làm ảnh hưởng đến tai.
Do lớp màng nhĩ trong tai rất mỏng nên có thể bị thủng bất cứ lúc nào dù chỉ với một áp lực nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lấy ráy tai thường xuyên, đặc biệt là tìm đến các tiệm cắt tóc, gội đầu. Trong trường hợp ráy tai quá nhiều và không tự đào thải, người dân cần đến các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được xử trí bằng biện pháp chuyên biệt, an toàn.
Để bảo vệ tai ngoài, ngăn ngừa suy giảm thính lực, người dân chỉ nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vành tai và vùng cửa tai. Khi bị chấn thương do ngoáy tai nên đến các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám, kiểm tra và điều trị./.
Thực hiện: Hồng Thúy - Hán Trang - Phương Anh