Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách của nhà nước về tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cả về cơ sở vật chất và con người nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, nhất là đối với cấp cơ sở.
Đối với các quy định liên quan tới xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, được quy định tại Mục 3, Điều 90 của dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo phải phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động.
Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến đại biểu quốc hội nêu trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phải tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật.
Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu và các bệnh viện quan tâm là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá.
Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến chuyên môn nhưng mà vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.