Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đa số ý kiến cho rằng, trước thực trạng số vụ việc trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân quen hay trong môi trường vốn được xem là an toàn như nhà trường, gia đình…, đã đến lúc cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và những chương trình hành động quyết liệt hơn để xây dựng, tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ.
Theo số liệu thống kê mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ bị mang thai. Qua giám sát cho thấy tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng như: Bà Rịa - Vũng Tàu 97,29%, Phú Thọ 97%, Cà Mau 95,9%… Nghiêm trọng hơn, tại một số địa phương có những vụ việc xâm hại diễn ra ngay trong gia đình với tính chất, mức độ nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước thực trạng đó, một số đại biểu đề nghị cần có sự chuyển biến căn bản trong tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ trên 3 phương diện: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Song hành với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, công tác này cần đi vào thực chất, đến từng đối tượng với những hình thức khác nhau.
Phiên thảo luận cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bởi số vụ việc và mức độ ảnh hưởng của việc xâm hại trẻ trên môi trường này. Đa số các ý kiến thống nhất cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như giáo dục, thông tin truyền thông, công an… để nâng cao nhận thức, trang bị những kỹ năng tự bảo vệ của trẻ trên môi trường mạng.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.