Cần xem xét các thủ tục, làm rõ cơ cấu sở hữu cổ phần
Trong dự thảo Luật được trình Quốc hội hội lần này, Ban Soạn thảo đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó từ mức 15% và 20% xuống còn 10% và 15%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này không có nhiều ý nghĩa trong việc hạn chế sở hữu chéo và quy định như vậy chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.
Về quy định hạn chế thành viên của Hội đồng quản trị tại điểm b, khoản 2, Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn Thanh Hóa đề nghị cần cân nhắc thận trọng hơn quy định này vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Bởi việc tham gia Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng không phải là công việc toàn thời gian nên những người này thường có công việc khác. Do đó, việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị.
Liên quan đến các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thống nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng của tổ chức tín dụng tại khoản 1 Điều 136, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn Tây Ninh cho rằng, chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại là cần thiết. Tuy nhiên, đi kèm với đó, cũng cần phải giải quyết các khó khăn có thể gặp phải do quy định này tạo ra như môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan tới cổ đông sở hữu cổ phần, không áp dụng hồi tố trong các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng