Trước năm 1996, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc còn là một ấp của xã Cửa Cạn, nơi đây khá hoang vu, bốn bề rừng cây sóng biển… Kể từ khi tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập xã Gành Dầu, bao gồm 4 ấp: Gành Dầu, Rạch Vẹm, Mũi Dương và Chuồng Vích, cả một vùng đất ven biển rộng gần 90 cây số vuông này vẻn vẹn có vài ngàn người sinh sống, thế mà đến nay, chỉ tính riêng khách vãng lai, thợ xây dựng, nhân lực làm thuê trên địa bàn cũng đã xấp xỉ bằng con số ấy.
Ông Nguyễn Hữu Lộc năm nay đã 80 tuổi, người đầu tiên đến khai phá mảnh đất phía bắc của hòn đảo này kể lại, cách đây hơn 30 năm, hồi mới được thành lập, xã Gành Dầu vẫn còn hoang sơ, kinh tế nghèo nàn, trường học thì sơ sài, học sinh không thích đến trường... điều kiện phương tiện giao thông, thông tin đều cũ kỹ, lạc hậu, thế nhưng với tình yêu biển đảo, ông và gia đình đã bám trụ mảnh đất này đến tận hôm nay.
Mới ngày nào cả xã Gành Dầu chỉ toàn nhà cấp bốn, giờ đây mảnh đất này đang phát triển từng ngày, trở thành địa điểm du lịch không thể thiếu mỗi khi du khách đến huyện đảo Phú Quốc bởi nơi đây có những con người như ông Lộc đang ngày đêm giữ đảo, bám biển.
Anh Huỳnh Phước Huệ, sinh năm 1973 tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc trong một gia đình đã có ba đời sinh sống ở nơi đây. Năm 1992, anh rời Phú Quốc lên thành phố học đại học. Sống giữa thành phố náo nhiệt, anh vẫn không nguôi nỗi nhớ hòn đảo quê hương. Anh ấp ủ ý tưởng sẽ làm điều gì đó cho hòn đảo xinh đẹp này. Hàng ngày, anh đến các thư viện tìm hỏi mượn sách – báo – tài liệu về Phú Quốc. Ngày ra trường, trong hành trang trở lại quê nhà của anh đã có khoảng 300 tài liệu quý hiếm viết về Phú Quốc. Và cứ vậy, sau nhiều năm trở về sinh sống ở hòn đảo này, anh đã xây dựng lên bảo tàng mang tên “Cội nguồn”. Bảo tàng "Cội Nguồn" là nơi được trưng bày với những câu chuyện về mảnh đất và con người ở đảo Ngọc phương Nam.
Người dân đảo vẫn còn nhớ hoài hình ảnh một chàng trai nước da ngăm đen, mảnh khảnh đi nhặt những mảnh gốm sứ, những lát gỗ, những vỏ ốc, vỏ sò năm lăn lóc trên nhưng bãi biển. Nhìn những cổ vật được trưng bày tại bảo tàng mới thấy được sự tâm huyết của anh Huỳnh Phước Huệ, người được mệnh danh là “Người giữ hồn cho đảo”. Có lẽ công sức của anh không hoài phí bởi giờ đây khi đến Phú Quốc du khách đã có thêm một địa điểm để dừng chân, để hoài niệm về chuyện xưa bởi nơi đây chính là hồn cốt của hòn đảo ngọc này.
Mời quý vị xem các chương trình Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.