Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ được tăng tải trên tạp chí Nature cho biết, đợt cháy rừng Mùa hè Đen tại Australia cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã làm tầng ozone suy giảm từ 3-5%.
Theo nghiên cứu, khói từ đợt cháy rừng này đã lưu thông trên toàn cầu và được đẩy vào tầng bình lưu, tầng thứ 2 trong bầu khí quyển. Khói đã kích hoạt clo để tạo thành các hợp chất phá hủy các phân tử ozone.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy, không chỉ riêng đợt cháy rừng Mùa hè Đen mà các đợt cháy rừng nói chung đều tác động đến bầu khí quyển và có thể làm chậm lại quá trình hồi phục cũng như phá hủy tầng ozone.
Lỗ thủng tầng ozone ở phía trên Nam Cực là lỗ thủng tầng ozone lớn nhất hiện nay do nhiệt độ lạnh giúp clo tấn công tầng ozone. Trong bối cảnh này, đám cháy rừng Mùa hè Đen tại Australia lại làm suy giảm tầng ozone khiến cho lỗ thủng tầng ozone có thể mở rộng hơn về phía xích đạo, khiến thêm nhiều người Australia gặp nguy hiểm.
Nghị định thư Montreal ra đời năm 1987 đã loại bỏ dần việc sử dụng nhiều hóa chất làm suy giảm tầng ozone, trong đó có CFC. Nhờ có nghị định này mà các nhà khoa học phát hiện từ giữa những năm 2010, tầng ozone đã bắt đầu hồi phục chậm ở mức 1% mỗi thập kỷ ở các vĩ độ trung bình. Tuy nhiên do ngày càng xuất hiện nhiều vụ cháy rừng dai dẳng, kéo dài và diễn ra trên diện tích rộng nên các nhà khoa học lo ngại có thể ảnh hưởng tới quá trình hồi phục tầng ozone và phát hiện mới đây của các nhà khoa Mỹ đã khẳng định điều này./.