“Chạy trường, chạy lớp” – Yếu tố cung cầu và giải pháp hạn chế
Trong vai 1 phụ huynh đang muốn tìm trường cho con, phóng viên chương trình đã có cuộc nói chuyện với một nhân vật được cho là “cầu nối” giữa phụ huynh có nhu cầu “chạy” với trường muốn tới.
Ở một cơ sở giáo dục khác, cũng người bảo vệ nhà trường giới thiệu phóng viên gặp sếp với lời khuyên, làm một giỏ hoa quả kèm theo phong bì...
Theo tư vấn của người này, phóng viên gặp người được gọi là sếp thì người này tư vấn làm sổ tạm trú dài hạn hay KT3 đồng thời để lại địa chỉ, số điện thoại.
Cái cách mà một người không phải đại diện chính thức của nhà trường đẩy sự khan hiếm từ hơn 200 chỉ tiêu lên con số hơn 400 người đăng ký tác động không nhỏ đến tâm lý của phụ huynh. Yếu tố thị trường ở đây được đưa ra công khai, rõ ràng cho phụ huynh chọn, giữa việc bỏ tiền đổi lấy một suất học hoặc không, khi mà kì tuyển sinh sắp bước vào giai đoạn... nước rút.
Phụ huynh chạy trường, chạy lớp cho con, vì muốn con em mình được học trường “điểm”, lớp chọn, học với giáo viên giỏi, giáo viên “tốt”, có môi trường giáo dục tốt hơn, cơ sở vật chất “xịn xò” hơn. Người không có điều kiện thì tìm cách lách luật, như gửi hộ khẩu con mình vào nơi có trường “xịn xò” xét tuyển, người có điều kiện thì dùng tiền để “chạy”.
Mong muốn của các phụ huynh trở thành nhu cầu cấp thiết đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng trả giá thậm chí cho cả những dịch vụ liên quan.
Giải thích cho hiện tượng này, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mặc dù theo luật trường công lập được đầu tư như nhau, nhưng ở một số địa phương lại có sự ưu tiên dẫn đến sự khác nhau về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo viên.
Liên quan đến giải pháp, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh: vấn đề này phụ thuộc vào cách đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng cho cả người dạy, người học, biên chế lớp cần được công khai, minh bạch.
Để xóa “chạy trường, chạy lớp” một cách triệt để, Nhà nước phải bảo đảm công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho mọi học sinh, đầu tư cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên đồng đều tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, mỗi giáo viên phải phấn đấu, biểu hiện rất yêu trẻ, yêu nghề, để được phụ huynh đánh giá là giáo viên tốt, từ đó hạn chế nạn “chạy lớp”. Có như vậy, nạn “chạy trường, chạy lớp”, không cần chống cũng biến mất. Đây chính là giải pháp bền vững của giáo dục nước ta hiện nay./.
Thực hiện: Như Nguyên - Chí Phương