Video Tin trong nước

Chi tiền thật, mua hàng giả - Bao giờ chấm dứt?

Càng về thời điểm cuối năm, các cơ quan chức năng lại liên tục phát hiện và bắt giữ hàng loạt các vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái quy mô lớn, tính chất phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra cả trực tiếp và cả trên môi trường mua sắm trực tuyến.
21:02 - 29/11/2023

Chi tiền thât, mua hàng giả - Bao giờ chấm dứt ?

Lực lượng QLTT Hà Nội mới đây phát hiện và thu giữ hàng chục kilôgam lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Tất cả các tem, mác dán trên sản phẩm đều được các đối tượng làm giả, rất giống với nhãn mác lê Hàn thật, khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. 

Dù các cơ quan quản lý đã tăng cường công tác quản lý thị trường hàng hóa, tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn chưa khi nào hết nhức nhối, đặc biệt là ở cao điểm mua sắm cuối năm. Theo thống kê của Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 62.000 vụ việc hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,.., xử lý trên 44.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Từ mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả. 

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và doanh nghiệp cuối năm và dịp Tết. Đây cũng là lúc các đối tượng xấu gia tăng các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng trà trộn vào thị trường để thu lợi bất chính. 

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp ở cả môi trường trực tiếp và trực tuyến. Theo phân tích của các cơ quan quản lý thì chính việc các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa là lỗ hổng quản lý đang bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi trục lợi; trong khi chính các doanh nghiệp làm ăn chân chính lại chưa có ý thức hoặc chưa có sự đầu tư đúng mức cho việc bảo vệ ngăn chặn các hành vi đạo nhái, giả mạo sản phẩm, làm mất uy tín của doanh nghiệp mình. 

Để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái, công tác quản lý phải chặt chẽ ngay từ khâu cấp quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm.  

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, sẽ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ trong quản lý thị trường để có thể định danh được người bán cũng như truy vết được “đường đi” của hàng hóa, để từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình./.

Thực hiện: Vũ Đào – Ngọc Toàn