Trải qua hơn 100 năm lịch sử, nhà thờ vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc, văn hoá và là điểm nhấn nổi bật trên bản đồ du lịch của thành phố cao nguyên năng động này.
Nhà thờ chính tòa giáo phận Kon Tum còn được gọi là Nhà thờ gỗ Kon Tum do được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít (một loại sến đỏ có rất nhiều ở vùng đất Tây Nguyên ngày xưa), xây dựng từ năm 1913 kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất.
Với diện tích lên đến 700m2, nhà thờ gỗ Kon Tum là một "đại công trình" được thiết kế theo phong cách Roman phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, đại diện cho sự giao thoa giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Nhà thờ cũng được coi là một trong những biểu tượng của Kon Tum là và địa điểm nhất định phải đến đối với bất cứ du khách nào khi đến vùng đất cao nguyên này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum không chỉ gây ấn tượng với phong cách kiến trúc hài hòa mà còn độc đáo trong phương pháp xây dựng. Trần, tường, vách của nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền trung Việt Nam, không dùng bê-tông cốt thép hay vôi vữa, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh. Bên hông là hành lang lối vào nhà thờ, phần mái mang thiết kế của những mái nhà rông của người Ba Na.
Với vẻ đẹp uy nghiêm, tráng lệ, Nhà thờ gỗ Kon Tum không chỉ là niềm tự hào của người dân Công giáo, nơi giáo dân sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm tham quan hấp dẫn, không thể bỏ qua với bất cứ du khách nào trên hành trình khám phá thành phố Kon Tum.
Thực hiện: Anh Vũ – Lê Hải
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.