Thực hiện Nghị định 99/2010 của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã giao khoán rừng cho gần 3.400 hộ, 62 cộng đồng dân cư, 31 xã, thị trấn và chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng. Hơn 10 năm triển khai, chương trình đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn góp phần hỗ trợ các thôn, buôn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống.
Nhờ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, chương trình không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn góp phần hỗ trợ các thôn, buôn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống.
Gia đình anh A Phai ở thôn 7, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy khởi nghiệp với 1,3 ha đất nhưng không có vốn đầu tư mua cây giống, phân bón nên gia đình luôn chật vật. Năm 2013, anh nhận khoán bảo vệ 15 ha rừng và được nhận tiền chi trả môi trường rừng từ 12 - 14 triệu đồng/năm. Nguồn tiền này cộng với số vốn vay thêm từ ngân hàng, gia đình đầu tư mua cà phê, phấn bón, 2 cặp dê về chăn nuôi phát triển kinh tế. Hiện gia đình có 9 sào cà phê, vườn bời lời, đàn hươu sao 5 con cùng hơn chục con dê, tổng thu nhập hơn 120 triệu mỗi năm.
Gia đình anh A Pắp ở thôn 7, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy cũng nhận giao khoán bảo vệ 14,5 ha rừng từ năm 2013. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng gia đình anh nhận về thường được trích một phần mua lương thực thực phẩm, còn lại tái đầu tư mua phân bón, con giống phát triển kinh tế. Mỗi năm gia đình cũng có thu từ 90 – 100 triệu từ cà phê, bời lời, bò… và cũng đã thoát nghèo.
Kon Tum là tỉnh nghèo chiếm 54% bà con đồng bào sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương trước đây còn cao. Qua các chương trình dự án đầu tư của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là việc được nhận chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con sử dụng hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm theo từng năm.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng hiệu quả nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của người dân hay cộng đồng dân cư ở tỉnh Kon Tum vào phát triển các mô hình sinh kế đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, việc xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn. Đời sống đảm bảo, người dân càng tích cực hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, những cánh rừng bạt ngàn ở Kon Tum luôn được giữ vững.
Tuấn Long/VOV - Tây Nguyên
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.