Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn
Cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Qua nghiên cứu, các đại biểu nhận định chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở xã hội được quy định tại khoản 6, Điều 13 của Dự thảo luật.
Ngoài ra, trong Dự thảo luật có quy định giá bán nhà ở xã hội được xác định trên cơ sở các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó có chi phí hợp lý để kiểm soát chặt chẽ giá bán trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người mua, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ những chi phí hợp lý được tính vào giá bán là những chi phí nào./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng