Chủ động chuyển đổi xanh, bền vững - Cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường EU
Thỏa thuận Xanh (EGD) là gói các sáng kiến chính sách khung của Liên minh châu Âu (EU) nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Được thông qua ngày 15/1/2020 và chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai, Thỏa thuận Xanh EU đã có nhiều chính sách dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được thông tin và chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Các chính sách trong Thỏa thuận Xanh của EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau. Những nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất bao gồm sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan. Nhóm sản phẩm nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy, sắt thép, nhôm, xi măng và bao bì của các loại sản phẩm.
Theo các chuyên gia, mặc dù trước mắt các chính sách Xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho DN.
Việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì xuất khẩu bền vững ở thị trường EU. Ở tầm lớn hơn, để có thể vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra, đạt mục tiêu ngắn và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững, trong đó tiến tới sản xuất Xanh, xuất khẩu Xanh là một yếu tố quan trọng./.
Thực hiện: Tiến Dũng - Lê Hải