Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

“Chữa lành”: Trào lưu hay trị bệnh?

Cụm từ “chữa lành” đang được nhắc tới ngày một nhiều và dần trở thành một khái niệm phổ biến. Vậy nguyên nhân của việc muốn chữa lành là gì và người sử dụng từ “chữa lành” như hiện nay là để trị bệnh hay chỉ là một hiệu ứng đám đông?
18:30 - 09/09/2024

“CHỮA LÀNH”: TRÀO LƯU HAY TRỊ BỆNH?

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “chữa lành” sẽ cho khoảng hơn 45 triệu kết quả trong vòng vài giây. Hàng trăm hội nhóm về “chữa lành” cũng được lập trên Facebook thu hút rất đông thành viên tham gia, hưởng ứng. 

Trong số đó, không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc để sống ảo, rồi đăng ảnh lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Số khác thì chi từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng cho các tour du lịch, các khóa thiền, khóa học dưới cái mác “chữa lành”. Việc chữa bệnh cùng các chuyên gia “chữa lành” tự phong có thể gây hại cho người bệnh nếu không kịp thời tìm ra căn nguyên bệnh.

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra những dấu hiệu của một người thực sự có bất ổn về mặt tâm lý như thay đổi tâm trạng cảm xúc lúc vui, lúc buồn đột ngột; có cảm xúc suy nghĩ khác lạ, nghi ngờ mọi việc; nhạy cảm, kích động quá mức khi gặp những yếu tố bên ngoài tác động; thờ ơ với mọi hoạt động; sợ hãi, lo lắng quá mức…. Chính vì vậy, mỗi người cần phải hiểu về bản thân mình và có những phương pháp “chữa lành” phù hợp.

Để “chữa lành” không phải trào lưu và người cần “chữa lành” được trị bệnh đúng cách, mỗi người cần tổ chức lại cuộc sống, cân bằng các yếu tố xã hội, gia đình, công việc. Đặc biệt, nếu có những bất thường trong tâm lý, cần đến gặp các chuyên gia tâm tâm lý tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

Thực hiện: Hồng Thuý - Vũ Vy