Video Tin trong nước

Chứng nhận OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm

Tập trung chuẩn hóa sản phẩm mới, nâng hạng những sản phẩm đã được công nhận, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần quan trọng trong việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương trong cả nước.
16:56 - 10/03/2021

Đây là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của công ty gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh đang được hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia chấm chọn để công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao. 

Theo đơn vị, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đang mở sang 1 trang mới cho một nền kinh tế yếu thế của các làng nghề của Việt Nam và khi tham gia vào chương trình này có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phát triển hơn rất nhiều.

Theo nhiều đơn vị, làng nghề, việc tham gia vào chương trình và có các sản phẩm đạt sao OCOP không chỉ giúp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, sản xuất và phân phối sản phẩm tốt hơn mà nó còn đặt ra các yêu cầu để đơn vị áp dụng công nghệ, kỹ thuật nhằm duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm.

Theo Bộ NN&PTNT, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, các sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương đã được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. 

Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng NTM, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và cả nông dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Có thể thấy, thông qua chương trình OCOP, kinh tế nông thôn sẽ được phát triển theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế ở làng, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. 

Bên cạnh đó, chương trình OCOP sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

Thực hiện: Tiến Dũng, Chí Phương

Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.