Tại phiên thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thời gian qua đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập chưa được khắc phục, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; việc gửi hồ sơ không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế ấy đã dẫn tới tình trạng luật chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Một số đại biểu cho rằng, còn tình trạng dồn dập đề xuất xây dựng luật bổ sung vào chương trình, điều này không chỉ gây ra sức ép lớn cho các cơ quan thẩm tra mà còn cho thấy tính dự báo chưa cao, tính dài hạn tổng thể chưa được bảo đảm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khi chấp thuận hoặc đưa bất cứ một sáng kiến lập pháp nào hoặc làm mới, sửa đổi bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội đề nghị Quốc hội yêu cầu tổ chức, cơ quan đề xuất có phân tích đánh giá cụ thể phí tổn và lợi ích của dự án đó.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, đề cập đến các dự án Luật Giao thông đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ trước giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và các bước đang được tiến hành để xin ý kiến cấp thẩm quyền trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.