Chè Tủa Chùa có tên gọi là chè Shan tuyết và cùng dòng với chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai nhưng với người Ðiện Biên nói chung, người Tủa Chùa nói riêng thì cái tên gọi "chè cây cao Tủa Chùa" được ưa dùng nhất.
Theo ông Hạng A Chư ở bản Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên - người sở hữu nhiều gốc chè cổ thụ nhất chia sẻ, ông là đời thứ ba thừa kế cây chè, với ông, những cây chè ở đây không chỉ là nguồn thu nhập, mà nó còn là nơi chứa biết bao câu chuyện, kỷ niệm tuổi thơ của ông và nhiều thế hệ khác trong gia đình. Theo lời ông kể, bao nhiêu thế hệ người dân Sín Chải lặng lẽ đi qua vòng đời "sinh - lão - bệnh - tử", họ vẫn nhớ như in những kỷ niệm cùng cây chè. Có cụ ông giờ chín mươi tuổi vẫn nhớ gốc cây chè nào mình đã ngồi nghỉ trên đường "cướp" vợ ngày xưa...
Khoác lên mình tấm áo “rêu phong” của thời gian cả trăm năm, chè cây cao Tủa Chùa giờ vẫn xanh rì màu lá, những sản phẩm chè lại càng trở nên tuyệt vời hơn khi cây càng nhiều tuổi. Đến đây, ngắm những rừng chè ngút ngàn tầm mắt, du khách phần nào nhận thấy sức sống mãnh liệt của loại cây biểu tượng nơi núi cao sương mù.
Ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, người Mông gọi cây chè Shan tuyết là "cây bất tử" bởi tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Hiện, Tủa Chùa có khoảng 10.000 cây chè cổ thụ trên một trăm năm tuổi. Cây chè ở đây sinh trưởng tự nhiên, không cần chăm bón vẫn tự lên xanh tốt. Sống sót qua hàng trăm năm, những cây chè tự thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu để chống chọi lại mọi khắc nghiệt của thời tiết và các loại sâu bệnh.
Thực hiện: Thế Hùng – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.