Video Tin trong nước

Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu của báo chí hiện đại

Chuyển đổi số đang là một vấn đề quan trọng của toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực báo chí. Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong cả nước đã nỗ lực làm mới mình để thích ứng với thời đại truyền thông kỹ thuật số.
00:15 - 17/04/2022

Sự xuất hiện của các hình thức truyền thông mới như longforrm, megastory, infographic… cho thấy, báo chí đã tìm thấy cách thức để tiếp tục phát triển cũng như duy trì vai trò của báo chí trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, mặc dù tăng về số lượng nhưng doanh thu lại liên tục đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, số liệu từ 159 cơ quan báo in và báo điện tử cho thấy, nếu doanh thu năm 2020 đang ở mức 3.100 tỷ đồng thì bước sang 2021 con số này chỉ còn 2.100 tỷ đồng, giảm tới hơn 30%. 

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là do báo chí đang tỏ ra tụt hậu và kém cạnh tranh, ngay cả trong mảng cốt lõi của mình là “tin tức” so với các mô hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Google … Do đó, chuyển đổi số được nhận định là hướng đi sống còn với báo chí nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời gian tới. 

Tại diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, câu chuyện về chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà còn phụ thuộc rất lớn vào vấn đề nhân lực và tư duy. Đặc biệt cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số cũng như tạo môi trường để người viết kết hợp giữa nội dung hấp dẫn và cách tiếp cận sáng tạo. Thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số.

Với phương châm “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”, nhiều cơ quan báo chí đã và đang đổi mới trên quá trình chuyển đổi số để tiếp cận bạn đọc. Chẳng hạn, Báo Nhân Dân vốn từng được cho là thiếu tính hấp dẫn, nay đã mạnh dạn đầu tư công cụ sản xuất các bài đa phương tiện, từ thông tin đồ họa tương tác, video cho đến các bài megastory. Hay Đài Tiếng nói Việt Nam không chỉ được biết đến với thương hiệu Đài Phát thanh quốc gia, cũng đã và đang triển khai 2 nền tảng số là VTC Now và VOV live, số hóa các kênh phát thanh, truyền hình lên nền tảng mạng xã hội để khán, thính giả có thể nghe mọi lúc, mọi nơi. 

Thực tế là phương thức tiếp cận thông tin của độc giả đã chuyển từ bị động sang chủ động và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích này. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành theo mô hình mới đa loại hình, đa nền tảng để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của khán, thính giả trong kỷ nguyên số.

Anh Vũ - Chí Phương - Quốc Hùng - Trọng Khánh

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.