Video Tin trong nước

Cơ hội cho hàng nội địa khẳng định nội lực

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn cầu, song đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt minh chứng sức sống của hàng Việt. Đây cũng là cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục phát động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam 2020 trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
18:51 - 15/08/2020

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam 2020 trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước của Bộ Công Thương gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

Nếu như chỉ 1 năm trước, tại nhiều hệ thống phân phối bán lẻ, dù là hàng Việt Nam có thương hiệu uy tín cũng phải khá chật vật mới có thể giữ vững được tỷ lệ bao phủ trên 50% các mặt hàng cùng loại. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi khi dịch Covid-19 bùng phát và bao phủ toàn cầu. Covid-19 giúp hàng nội được “sủng ái”. Hàng Việt chiếm trên 80% tại các hệ thống phân phối lớn trong nước. 

Dịch bệnh là thử thách giúp hàng Việt minh chứng được sức sống trên chính thị trường nội địa, đồng hành cùng người tiêu dùng trong nước, góp phần quan trọng bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn lương thực. Thành công này không thể phủ nhận vai trò của các giải pháp phát triển thị trường trong nước, trong đó có Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam của Bộ Công Thương.

Tiếp tục phát huy những thành công này, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2020 chuyển hướng mạnh mẽ vào các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng.

Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là hoạt động xúc tiến thương mại bị gián đoạn, khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chương trình Nhận diện hàng Việt mở ra thêm nhiều không gian cho các doanh nghiệp kết nối giao thương, tiếp cận người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất. 

Mỗi ngày vẫn đang có hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa vì áp lực từ dịch Covid-19, nhưng cũng có hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập. Dịch bệnh đã bức tử nhiều doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới biết nắm bắt thời cơ. Dịch bệnh đã bẻ gẫy các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chính là cơ hội cho hàng nội địa bung mình khẳng định nội lực, thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam trước khi trật tự cũ: hàng ngoại áp đảo hàng nội - kịp thiết lập lại./.

Thực hiện: Vũ Đào – Quốc Hùng

Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.