Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Còn về chế độ dinh dưỡng, theo Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN, đường chỉ đóng góp chưa tới 3,6% vào tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chủ yếu đến từ ngũ cốc, thịt, rau và hoa quả và các thực phẩm khác... Theo thống kê, nghiên cứu của Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế Việt Nam), nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (lần lượt là 41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Năm 2022, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2892 về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì. Trong đó, đường không phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì.
Còn dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia thì cho rằng, thực tiễn tại một số quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng. Do không có tác động đến sức khỏe, nhiều nước đã từ bỏ công cụ thuế này. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường cũng cần đánh giá tác động của Luật đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thuế TTĐB cần đáp ứng yêu cầu cao hơn như cần đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, nội dung này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng.