Có nên bỏ tuyến xe bus nhanh BRT, thay bằng đường sắt đô thị?
Tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Yên Nghĩa được Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến có chiều dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe. Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Thế nhưng sau gần 8 năm đi vào hoạt động, tuyến BRT này lại không như kỳ vọng.
Tuyến BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến rất lớn nên thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Rõ ràng, tính hiệu quả và phù hợp của loại hình này đối với mạng lưới giao thông ở Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập. Khi mà nó chiếm quá nhiều tài nguyên, gây lãng phí số tiền không nhỏ từ ngân sách Nhà nước.
Thực tế, ngay từ khi triển khai xây dựng tuyến BRT này, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dự án, đó là việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Vậy nên, đã đến lúc cần thẳng thắn đánh giá kỹ càng, toàn diện, khách quan, cân nhắc phương án thay thế BRT 01 trước nguy cơ bị “khai tử”.
Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị. Với loại hình buýt nhanh BRT, theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị./.
Thực hiện: Thu Hương – Minh Ngọc – Chí Phương.