Được xây dựng dưới triều Nguyễn, bắt đầu từ năm 1805 đến 1812, Cột cờ Hà Nội đến nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhưng trên hết, Cột cờ Hà Nội được coi là một trong những biểu tượng tôn nghiêm và có giá trị lịch sử của Thủ đô Anh hùng. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội và đã hơn 2 thế kỷ qua, Kỳ đài Hà Nội vẫn sừng sững, uy nghiêm và trường tồn với thời gian.
Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Kỳ đài Hà Nội còn là chứng tích ghi lại những dấu ấn oanh liệt của Thăng Long - Hà Nội dấu yêu. Đáng nhớ nhất là sự kiện ngày 10/10/1954, hàng nghìn người đổ về tập trung xung quanh Cột cờ Hà Nội chờ đón thời khắc lịch sử: ‘Lễ thượng cờ Tổ Quốc trên đỉnh Cột cờ”, ghi dấu giây phút thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam đó là ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.
Không biết từ lúc nào hình ảnh Cột cờ Hà Nội gắn liền với lá cờ đỏ sao vàng, đã trở thành một biểu tượng in sâu vào kí ức của những người con Hà Nội và cả những du khách từng đặt chân tới Thủ đô. Thế nhưng câu chuyện ẩn sau lá cờ Tổ Quốc thì không phải ai cũng biết. Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, Đại úy Lưu Ngọc Huân cùng các cán bộ công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ trông nom, chăm sóc toàn bộ khu vực Cột cờ, để là cờ Tổ Quốc lúc nào cũng tung bay trong gió.
Trải qua gần 200 năm lịch sử, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Nhìn thấy Cột cờ cũng chính là nhìn thấy Tổ quốc.
Thực hiện: Hải Linh – Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.