Những chiếc ống hút nhựa ở quán cà phê ở đây từ lâu đã được thay thế bằng chất liệu giấy. Chị Phạm Thị Mỹ Phương, chủ quán cà phê này cho biết đã 3 năm nay, kể từ ngày thành phố Hội An đã phát động chương trình "Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa", không riêng chị mà toàn bộ các hộ kinh doanh ở đây đã đồng loạt chuyển đổi sang các loại ống hút khác thân thiện với môi trường như ống hút tre, inox, giấy…
Không chỉ nói không với ống hút nhựa, 10 năm nay, kể từ khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân nơi đây đã hoàn toàn tẩy chay với túi nilon. Những con đường sạch bóng. Ngay ở khu chợ nhỏ này cũng khó để tìm thấy 1 chiếc túi ni lông. Tất cả hoạt động bán-mua đều sử dụng giỏ nhựa, túi cói, giấy báo hoặc lá chuối để gói ghém các loại thực phẩm.
Nhờ những “hành động nhỏ” đó mà thời gian qua, Cù Lao Chàm đã có sự thay đổi lớn. Lượng khách trong và ngoài nước đến với Cù Lao Chàm ngày càng tăng. Người dân từ chỗ 85% đánh bắt thủy hải sản thì nay đã thay đổi ngoạn mục: hơn 80% người dân sống dựa vào ngành du lịch, thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam.
Thay đổi một thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, ni lông…không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm và những cách làm hay, Cù Lao Chàm đã thành công. Và, mạnh hơn bất cứ một khẩu hiệu tuyên truyền nào, chính ý thức và hành động của cộng đồng cư dân trên đảo là điều đặc biệt ấn tượng để nhắc nhở bất cứ ai khi đến với Cù Lao Chàm trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Đi trên những con đường gần như không rác thải, chúng tôi tin, cùng với thời gian, Cù Lao Chàm vẫn sẽ vẹn nguyên vẻ đẹp của một hòn đảo hoang sơ, hoàn toàn không có bóng dáng của túi nilông, ống hút nhựa hay chai nhựa dùng một lần.
Minh Quyên - Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.