Nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều kỷ niệm, hiện vật gắn với cuộc đời Bác Hồ kính yêu mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc trong mỗi người con Đất Việt.
Cứ vào dịp tháng 5 hàng năm, các học sinh của trường THCS Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội lại được nhà trường tổ chức cho đi tham quan, dã ngoại học tập. Một trong những địa điểm được nhà trường thường xuyên lựa chọn là khu di tích Đá Chông – K9. Thông qua những chuyến về nguồn như vậy giúp các em học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc từ đó thêm yêu quê hương tổ quốc mình hơn.
Không chỉ là nơi học tập, tìm hiểu về lịch sử cho các em thiếu niên, nhi đồng, Đá Chông – K9 còn là mảnh đất hiện thực để nuôi dưỡng, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho toàn thể nhân dân ta, trong đó có cán bộ, chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1960 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã nhiều lần lên Đá Chông làm việc và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau khi Bác qua đời, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Đá Chông làm nơi gìn giữ thi hài Bác từ năm 1969 đến 1975. Sau khi đưa Bác về Lăng, Đá Chông trở thành công trình dự phòng và ngày nay là Khu Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
65 năm đã qua đi kể từ khi Bác Hồ đặt chân đến Đá Chông, Khu Di tích Đá Chông – K9 không ngừng được tôn tạo, mở rộng, ngày càng khang trang, thực sự trở thành điểm đến của khách trong nước và quốc tế, nợi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ.
Cùng với hơn 800 di tích gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng đã được xếp hạng, Khu Di tích mang đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh này đã và đang làm sâu sắc hơn, tỏa sáng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần để giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm nhuần thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống, là hành động tự giác, hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.
Tiến Dũng - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.