Nguyên nhân làm gia tăng cơ sở lưu trú, buồng phòng khách sạn ở thành phố Đà Nẵng xuất phát từ sức hút của điểm đến. Với việc hình thành những trung tâm du lịch hấp dẫn, gắn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bãi biển Mỹ Khê… thành phố Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến an toàn đối với du khách, nơi phát triển rầm rộ loại hình “bất động sản du lịch”.
Mặc dù các chuyến bay đến Đà Nẵng ngày càng nhiều, số lượng khách tăng nhưng số lượng khách lưu trú lại giảm. Vì vậy, tỷ lệ kín phòng của các khách sạn đều giảm. Sự sụt giảm về số lượng khách lưu trú tác động đến các lĩnh vực khác như: nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm.
Theo các chuyên gia du lịch, một khi nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Thực tế tại thành phố Đà Nẵng, không ít khách sạn hạng 3 sao trở lên chấp nhận giảm giá phòng để đón khách. Điều này khiến các khách sạn từ 3 sao trở xuống vắng khách.
Theo thống kê của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng, công suất sử dụng buồng phòng trên địa bàn 9 tháng qua đạt dưới 50%. Trong đó, khối khách sạn từ 4 đến 5 sao đạt 60%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Tình trạng “khủng hoảng thừa” khách sạn (tập trung ở một số trục đường ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại…) gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cụ thể là hạ tầng giao thông, cấp thoát nước. Thành phố cần quy hoạch và định hướng phát triển các cơ sở lưu trú phù hợp với từng địa bàn quận, huyện, hạn chế xây dựng cơ sở lưu trú với quy mô nhỏ để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư./.
Mời quý vị xem lại các chương trình đã phát sóng trên kênh Vietnam Journey tại đây.