Với việc phục dựng, trùng tu nhiều hạng mục công trình lần này, thành Điện Hải sẽ trở thành không gian văn hoá, lịch sử, du lịch độc đáo, là điểm đến hấp dẫn người dân và du khách.
Từ năm 2017 đến năm 2019, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 110 tỷ đồng trùng tu giai đoạn 1 thành Điện Hải. Hơn 80 hộ dân và 3 cơ quan nằm trong khu vực di tích đã được di dời, chỉnh trang. Toàn bộ hệ thống tường thành, kè hào được khôi phục; cải tạo cảnh quan, công viên cây xanh phía bắc và phía tây thành Điện Hải…
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (giai đoạn 2) với diện tích hơn 26.500 m2. Qua đó, bảo tồn tối đa các công trình, kiến trúc, dấu vết di tích gốc; tái tạo không gian cảnh quan và kiến trúc gốc khu vực thành nội. Tổng kinh phí đầu tư trùng tu giai đoạn 2 thành Điện Hải là 84 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Cùng với việc trùng tu Di tích quốc gia thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động ngoại khoá; xây dựng các tour du lịch hành trình về với các di tích lịch sử, cách mạng; nghiên cứu xây dựng phim bằng công nghệ 5D, xây dựng sa bàn tái hiện trận đánh mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Đà Nẵng, tiến trình lịch sử xây dựng, phát triển thành Điện Hải từ thời Minh Mạng cho đến nay… Người dân, du khách sẽ có những cảm nhận rõ nét hơn về lịch sử, văn hoá của thành phố Đà Nẵng.
Thành Điện Hải, trước đây là đồn Điện Hải, được vua Gia Long cho xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812. Đây vừa là chứng tích hùng hồn, vừa là biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của nhân dân Đà Nẵng và dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1988, thành Điện Hải được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đến tháng 12/2017 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Vinh Thông/VOV miền Trung
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.