Làng chài Nam Ô ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, với hơn 700 năm hình thành và phát triển. Nơi đây được xem là kho báu về văn hóa, lịch sử, hiện vẫn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ. Hàng trăm năm qua, ngôi làng này vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng chài cổ, làng chài duy nhất còn sót lại của thành phố Đà Nẵng. Bên trong ngôi làng này có sự kết hợp giữa văn hóa Chăm- Việt qua các di chỉ, di tích miếu Bà, lăng Ông, dinh Cô hồn, miếu Bà Liễu Hạnh, di tích miếu thờ Huyền Trân Công chúa, mộ tiền hiền làng, hay tháp Xuân Dương, các giếng vuông... Năm 2016, thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015-2022, trong đó có cụm di tích làng Nam Ô. Vài năm trở lại đây, khi Dự án Khu du lịch Nam Ô triển khai, không ít người lo sợ dự án ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa nơi đây. Nhưng với tinh thần cầu thị, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, quận Liên Chiểu đề nghị thành phố giữ lại các di tích ở Nam Ô, để tạo nên quần thể di tích và đề nghị được cấp xếp hạng, tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di tích.
Ngược về phía Tây thành phố Đà Nẵng, khu rừng Trung Sơn ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có hơn 300 năm tồn tại. Khu rừng này rộng khoảng 12 ha, bao gồm các di tích, rừng cây nguyên sinh. Trong các cuộc kháng chiến, người dân Trung Sơn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ rừng. Nơi đây hiện còn 200 ngôi mộ của các nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại xâm và hải tặc dưới thời vua Lê Anh Tông; Ngôi đình làng được xây dựng năm 1900, giếng Chăm cổ, Miếu Âm linh hình thành năm 1879. Trước yêu cầu mở rộng và phát triển đô thị về phía Tây, thể theo nguyện vọng của người dân địa phương, chính quyền thành phố quyết định giữ nguyên hiện trạng di tích; Yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đề xuất cụ thể phương án điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng dân cư để trên cơ sở đó, Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền công nhận các di tích gắn với rừng Trung Sơn là di tích văn hóa lịch sử.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc phải bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 9 dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích văn hóa, lịch sử như: Đình, miếu làng, nhà thờ… với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, ngành văn hóa - thể thao thành phố Đà Nẵng đã vận động người dân địa phương cùng tham gia tu bổ di tích.
Việc thành phố Đà Nẵng chú trọng bảo tồn, tu bổ và phục hồi các di tích không chỉ là giữ lại những công trình mang tính lịch sử, văn hóa, mà qua đó còn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông để lại.
Mời quý vị xem các bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.