Đây được coi là “hiện tượng lạ” của điện ảnh Việt và nó cũng đặt ra những bài toán về việc đổi mới cơ chế phát hành phim do nhà nước đặt hàng, tài trợ kinh phí.
Sau vài ngày công chúng xôn xao vì không thể mua vé để xem bộ phim “Đào, phở và Piano” thì đến nay (23/2) bộ phim chính thức được công chiếu thêm tại 2 hệ thống rạp Beta Cinemas và Cinestars trên toàn quốc cùng với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Thực tế này cho thấy, những bộ phim Việt Nam chất lượng, đặc biệt là phim về lịch sử luôn được công chúng quan tâm, đón nhận.
Thế nhưng ít người biết, trước khi tạo ra cơn sốt tại các phòng vé, “Đào, Phở và Piano” đã được công chiếu miễn phí cho khán giả Hà Nội và một số thành phố lớn hồi cuối năm 2023 trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 với số buổi chiếu hạn hẹp. Đây cũng là thực trạng chung của dòng phim do nhà nước đầu tư hiện nay, đó là chỉ xuất hiện ở các tuần phim hoặc đợt chiếu phim tuyên truyền rồi chìm vào quên lãng.
Thành công của "Đào, Phở và Piano" cũng cho thấy sự cần thiết về việc phải thay đổi cách đầu tư và cách sử dụng tiền đầu tư ngân sách sao cho hiệu quả đối với các phim sử dụng ngân sách nhà nước. Đặc biệt là trong vấn đề phân bổ hợp lý chi phí sản xuất phim với chi phí quảng bá, phát hành. Đồng thời, cần có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các đơn vị phát hành phim tư nhân cùng tham gia.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thay vì Nhà nước đặt hàng và đầu tư toàn bộ chi phí thì cần mở rộng hình thức hợp tác công-tư, Nhà nước và các đơn vị làm phim tư nhân cùng hợp tác, sản xuất phim, điều này sẽ làm giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước, vừa huy động được thế mạnh của các đơn vị làm phim tư nhân, giúp phát huy tư duy, năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ cũng như thúc đẩy tính hiệu quả của việc xã hội hóa việc sản xuất phim, để những bộ phim tuyên truyền vừa đáp ứng được nhu cầu khán giả, vừa đạt được mục tiêu tuyên truyền, giáo dục, đưa những giá trị thẩm mỹ, nhân văn… đến với đông đảo công chúng./.
Thực hiện: Vân Anh - Trọng Khánh