Video Tin trong nước

Dai dẳng nỗi đau tai nạn lao động

“Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” là chủ đề của tháng hành động về ATVSLĐ năm nay với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo vệ tài sản, sức khoẻ và tính mạng cho doanh nghiệp và người lao động.
14:15 - 09/05/2020

Đang là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, giờ đến việc đơn giản nhất là buộc tóc cho con cũng trở nên khó khăn. Tai nạn lao động do máy cuốn xảy ra vào cuối năm ngoái đã khiến anh Nguyễn Thanh Hùng (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại & Hiếu Huyền) mất đi một bàn tay. Mất sức lao động đến 51%, giờ anh vẫn chưa thể đi làm trở lại.

Cái ngày định mệnh 6/7/2016 ấy giờ vẫn là ký ức ám ảnh đối với gia đình anh Nguyễn Đức Cường (công nhân quét rác - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco). Tai nạn giao thông trên đường đi làm về khiến anh Cường bị liệt tứ chi, suy giảm 85% khả năng lao động. Giờ nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân và kinh tế gia đình đều đổ dồn vào vai người vợ.

Mặc dù tình hình tai nạn lao động năm 2019 giảm ở nhiều chỉ số, trong đó giảm số vụ tai nạn lao động chết người và số người bị thương nặng nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 927 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 10.500 tỷ đồng.

Những mất mát về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động là rất lớn, để lại những nỗi đau cho nhiều gia đình, tăng gánh nặng cho xã hội và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất gia đình và người lao động hãy chung tay “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Thực hiện: Minh Quyên - Ngọc Toàn

Mời quý vị xem các chương trình Nhịp sống hôm nay đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.