Đăng kiểm ô tô: Đừng vì thanh tra mà làm khó người dân
+ Anh Nguyễn Văn Tùng tài xế taxi công nghệ cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển trên mọi cung đường, bất kể các khung giờ nên anh đã lắp đèn sáng hơn, dán thêm tấm chống nắng và cách nhiệt... Tuy nhiên, khi đến trạm đăng kiểm thì lại bị nhân viên từ chối với lý do, xe không giữ nguyên hiện trạng ban đầu là còn “zin”.
Không chỉ riêng anh Tùng mà rất nhiều chủ phương tiện khác đi đăng kiểm cũng phải “than trời” vì bị từ chối đăng kiểm do những quy định “bây giờ mới có”.
Trên các diễn đàn chuyên về xe ô tô, giao thông... cũng liên tục bàn luận về vấn đề kiểm định. Nhiều người tỏ ra đồng tình với việc từ chối đăng kiểm đối với các xe đã lắp đặt thêm phụ tùng, người thì lại cho rằng, đối với những can thiệp nhỏ, không làm thay đổi yếu tố kỹ thuật, môi trường thì nên cân nhắc. Tuy nhiên, hầu hết đều có chung câu hỏi: Vì sao chỉ sau khi các trung tâm đăng kiểm bị thanh, kiểm tra thì quy định này mới được đưa ra?
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc các phương tiện khi lưu thông nếu gặp nguy hiểm là do bị mất lái, hệ thống phanh không hoạt động tốt hoặc bị chở quá tải hoặc thay đổi kích thước so với thiết kế ban đầu... Những nội dung này đã được nghiên cứu và đưa vào quy định của pháp luật. Còn những yếu tố khác nếu không làm ảnh hưởng đến độ an toàn của xe khi lưu thông trên đường thì không vẫn được đăng kiểm.
Không thể phủ nhận việc đăng kiểm ô tô định kỳ không chỉ giúp xe đảm bảo an toàn khi vận hành, đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật mà còn là quy định pháp luật mà chủ xe ô tô phải tuân thủ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là đăng kiểm như thế nào sao cho thực chất và minh bạch, bởi có những vấn đề khi bị phanh phui, khi các cơ quan quản lý nhà nước vào thanh kiểm tra thì các trung tâm đăng kiểm lúc đó mới làm chặt, nhưng lại “quá cứng nhắc”, vô tình đẩy cái khó cho người dân./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương – Trọng Khánh