Đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, anh Tuấn hay chị Hương đều cảm thấy phấn khởi khi được cấp đồng thời mã định danh điện tử. Ngoài ra, nhiều loại giấy tờ quan trọng khác như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… cũng đã được tích hợp theo mã định danh này.
Theo phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, người có căn cước công dân gắn chíp đều có thể tích hợp mã định danh điện tử. Đặc biệt, với mã định danh điện tử, người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Ngoài ra, công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cũng theo Công an TP. Hà Nội, hiện nay mã định danh đang được cấp theo 2 mức độ. Ở mức độ 1, khi công dân chưa có mã định danh, công dân sẽ khai báo các thông tin cá nhân trên ứng dụng VNeID, sau đó mang căn cước lên cơ quan công an để đối sánh với dữ liệu dân cư quốc gia, nếu trùng khớp cơ quan công an sẽ cấp mã định danh cho công dân.
Ở mức độ này, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch, khai báo y tế, thông tin tiêm chủng. Ở mức độ 2, công dân mang căn cước công dân đến trực tiếp cơ quan công an phường, xã để thực hiện ở các bước 1 và được cơ quan công an xác thực, đối sánh với dữ liệu dân cư quốc gia đồng thời cấp mã định danh. Ở mức này, công dân có thể thực hiện tất cả các dịch vụ còn lại khi các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ.
Cao Thắng - Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.