Video Tin trong nước

Đánh thức gốm cổ Hương Canh

Là dòng gốm cổ hơn 300 năm tuổi, gốm Hương Canh đã có thời mai một đến mức cả vùng gốm đông đúc khi xưa chỉ còn lại 3 hộ sản xuất cầm chừng. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Quyết tâm không để gốm chết, vậy là gốm đã sống, một sự hồi sinh đáng khâm phục.
19:48 - 04/09/2020

Những chiếc bình gốm mang một phong cách hoàn toàn mới. Giá trị cũng khác. Cao hơn gấp nhiều lần so với những sản phẩm truyền thống khi xưa. Gốm Hương Canh giờ đã không còn chỉ là những chụm, vại, nồi, niêu... có kiểu dáng đơn giản, giá rẻ, mà đã trở thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao.

Họa sỹ Nguyễn Hồng Quang là người đầu tiên ở làng gốm Hương Canh đầu tư một cách bài bản để nâng tầm giá trị gốm cổ. Từng mất nhiều năm đi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu về gốm, anh hiểu những ưu, nhược điểm của dòng gốm quê mình. 

Một trong những điều đặc biệt của gốm Hương Canh là vẫn sử dụng những lò nung gốm thủ công với than và củi. Một mẻ gốm nung từ 42-46 tiếng đồng hồ. Mỗi lần nung gốm là một lần người thợ phải tập trung chú ý vào ngọn lửa, vì chỉ lơ là một chút cũng dễ hỏng cả mẻ gốm nên việc gần như phải thức mấy chục tiếng để canh lò là điều rất bình thường.

Cùng gia đình, anh Quang đã đem đến một màu sắc mới cho gốm Hương Canh. Tính trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh cho ra đời trên dưới 2.000 sản phẩm gốm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ 3 cơ sở sản xuất nhỏ giọt, nay làng gốm Hương Canh đã có đến gần chục cơ sở sống tốt với nghề. Nhiều người từng bỏ nghề gốm nhiều chục năm, nay cũng quay lại với nghề.

“Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, mong sao vùng đất này vẫn gìn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của gốm Hương Canh mấy trăm năm qua, để trên nền gốm cổ, người Hương Canh phát triển và sáng tạo, mang vẻ đẹp mới của gốm đi xa hơn trong tương lai./.

Thực hiện: Lê Liên - Hoàng Thuyên

Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.