Cà Mau hiện có hơn 5.000 lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; 83 cơ sở lưu trú du lịch (hơn 2.600 phòng); 19 khu, điểm du lịch, trong đó có 14 điểm du lịch cộng đồng. Ba tuyến du lịch chính của tỉnh Cà Mau gồm: Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau - Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau. Cà Mau đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Góp phần đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp không khói, Cà Mau còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (facebook, fanpage, zalo); gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”…
Hiện nay, các tuyến đường bộ, đường sông từ TP.Cà Mau đã thông suốt đến các khu du lịch: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc... Bên cạnh đó, một số dự án cơ sở hạ tầng KT-XH cũng được T.Ư và tỉnh chú trọng xây dựng... Theo định hướng, du lịch Cà Mau sẽ tập trung theo hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, biến nó trở thành một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh.
Mặc dù tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn nhưng lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Đầu tư cho du lịch hiện còn chậm, yếu và không đồng bộ. Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho tất cả các ngành liên quan là làm sao khai thác, phát huy tiềm năng có hiệu quả để thu hút du khách, tăng nguồn thu ngân sách.
Ngọc Hòa
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.