Sau 30 năm qua, từ khi phiên đấu giá đầu tiên được Công an TP Hải Phòng tổ chức (năm 1993) đến nay, người dân mới chính thức được đấu giá để mua biển số ô tô theo sở thích của mình. Những nỗ lực của Bộ Công an nhằm mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước và khai thác hiệu quả tài nguyên số trong kho.
Tuy nhiên, sau phiên đấu giá biển số xe ô tô lần thứ nhất được tổ chức, cũng ghi nhận nhiều trường hợp bỏ cọc. Điển hình nhất là chủ nhân trúng đấu giá 2 biển số: 51K-888.88 và 30K-567.89 với tổng giá trị hơn 45 tỷ đồng đã không nộp tiền lấy biển, đồng nghĩa chấp nhận mất 40tr tiền cọc/1 biển số trúng đấu giá. Theo các luật sư, cần có chế tài xử lý mạnh hơn để không ảnh hưởng đến chủ trương đúng đắn của Bộ Công an.
Ở góc nhìn khác, quản trị viên diễn đàn OtoFun cho rằng: luật pháp không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc nên cần phân loại các biển số đẹp như tứ quý, ngũ quý... tương ứng là số tiền đặt cọc cao lên theo giá trị biển hoặc đặt bước giá lớn hơn và tăng thời gian đấu giá để người dân cân nhắc thật kỹ có tiếp tục tham gia đấu giá hay không?
Các phiên đấu giá biển số ô tô diễn ra thành công là kết quả của một hành trình dài 30 năm của Bộ Công an, thể hiện nỗ lực cải cách hành chính, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Trong thời gian tới, Cục CSGT sẽ nghiên cứu thêm các giải pháp tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh những tác động tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Thực hiện: Hải Linh – Lê Thanh