Hàng năm, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra vào ngày 6 - 8/3 âm lịch, thu hút lượng lớn du khách thập phương về chiêm bái và lễ Mẫu. Thời gian qua, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định đã nhận được nhiều đơn đề nghị của cả hai phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát được treo biển là "Phủ chính". Vậy đâu mới là phủ chính?
Phủ Tiên Hương - nơi diễn ra Chương trình biểu diễn Chầu văn, hầu đồng (nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu) cho hơn 20 vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước.
Tấm biển “Phủ chính” được treo trang trọng ngay lối vào phủ. Theo nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ - Thủ nhang phủ Tiên Hương, trong phủ còn lưu giữ nhiều hiện vật đều có tên gọi Phủ Chính. Cụ thể, quả Chuông đời vua Thành Thái niên đại năm 1896 khắc 4 chữ Phủ Chính Tiên Hương. Hệ thống 8 bia cổ niên đại từ năm 1892 đến 1914 đều ghi nhận di tích Phủ Tiên Hương gắn liền với tên Phủ Chính. Đặc biệt, một con dấu bằng đồng niên đại cuối thế kỷ 19 cũng có ghi "Phủ chính".
Cách đó không xa, Phủ Vân Cát cũng nằm trong quần thể di tích Phủ Dầy, 3 tấm biển “Phủ chính Phủ Dầy” được treo trên cửa chính và 2 cửa phụ ở Phủ. Tuy nhiên, theo Kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tự tại di tích Phủ Vân Cát của Tổ khảo sát Bảo tàng Nam Định thì trong 19 tờ sắc phong đang lưu giữ tại phủ Vân Cát có 1 đạo sắc phong gốc, niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887) không liên quan đến di tích phủ Vân Cát, 18 tờ tư liệu chữ Hán đều được làm giả, làm nhái, nội dung có nhiều điểm ngụy tạo, sai lệch lịch sử, văn hóa, khoa học; Không có văn bia năm 1916 có nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát”, một số hiện vật khác cũng như lịch sử xây dựng phủ Vân Cát được các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương và các đơn vị phòng chức năng của Bảo tàng, sở VHTTDL tỉnh Nam Định đánh giá không có đủ cơ sở khoa học để phủ Vân Cát có tên là phủ Chính.
Mặc dù phủ Vân Cát không có đủ cơ sở khoa học nhưng vẫn treo biển “Phủ Chính Phủ Dầy”. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Truyền hình VOV đã liên hệ với ông Vũ Quang Trung, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Vụ Bản thì được biết, đơn vị đã nhiều lần nhắc nhở Thủ nhang phủ Vân Cát gỡ biển xuống nhưng không được chấp hành.
Việc treo biển di tích không đúng tên gọi lịch sử, không đúng quy định tại phủ Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Đề nghị các cấp chính quyền địa phương chấn chỉnh hành vi treo biển này, đồng thời xử lý nghiêm minh, dứt điểm hành vi làm giả, làm nhái, ngụy tạo chứng cứ, dẫn đến sai lệch giá trị lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích theo luật di sản và các luật liên quan.
Thu Hương –Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.