Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư cho Cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong năm qua đã cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan ngang bộ.
Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thứ - đã công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 theo đó, về chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh thành phố dẫn đầu là tỉnh Quảng Ninh với 87.95%, tiếp đó là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Về chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích và chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm trong đó nhấn mạnh:
Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm “trên, dưới, dọc, ngang thông suốt” vì lợi ích chung.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, các thành viên của Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính tại bộ, ngành mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Không đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý các thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể như: Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%; Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%./.
Thực hiện: Vũ Khuyên –...