Video Tin trong nước

Đầu tư cho người lao động là đầu tư cho phát triển bền vững

Hôm nay là Ngày quốc tế Lao động, đồng thời cũng là mở đầu Tháng công nhân 2023 tại Việt Nam. Nhiều chủ trương tại Đại hội XIII của Đảng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cụ thể hóa thông qua nhiều chính sách phát triển lực lượng lao...
01:08 - 02/05/2023

Đầu tư cho người lao động là đầu tư cho phát triển bền vững

Những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, có trên 52 triệu người lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia là người nước ngoài.

Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; năng suất lao động được nâng lên. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt (thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước). 

Nhân lễ phát động Tháng Công nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh; ngày càng năng động, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội. Tính đến nay, cả nước có khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%. Giai cấp công nhân chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động, tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.

Là tổ chức đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có gần 11 triệu đoàn viên sinh hoạt ở 126.000 công đoàn cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn chăm lo đời sống cho người lao động; chủ động kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm của người lao động, công nhân, đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động của tổ chức công đoàn. 

Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Công đoàn cần sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nhằm chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, nhất là kỹ năng nghề cho người lao động để họ thực sự phát triển bền vững./.