“Dấu xưa văn hiến” - Kết tinh niềm đam mê với di sản văn hóa dân tộc
Tác phẩm Cổ thư 1 và Cổ thư 2 của họa sĩ Vũ Xuân Đông được sáng tác trên chất liệu hộp đồng và sơn mài, như một cuốn sách mở về kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây nước cỏ cây xưa…, cho người xem hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt.
Còn tác giả Phạm Hùng Anh đã thể hiện tác phẩm của mình bằng loại hình khắc gỗ mà anh theo đuổi từ thời là sinh viên đến nay. Với tác phẩm khắc gỗ “Bóng nước” in trên giấy dó cho ta thấy hình ảnh khác của Khuê Văn Các qua cách nhìn cá nhân tác giả, còn tác phẩm Lều và Lọng in trên lụa lại gợi cho người xem một cách chân thực nhất về quá trình học hành, thi cử ngày xưa.
Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. Qua đó, người xem hiểu thêm, cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hoá của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.
Gần 20 tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu xưa... là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hóa dân tộc nói chung và với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc.
Những giá trị văn hiến của dân tộc gắn với đạo học, với ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt với những nghệ sĩ mong muốn tạo nên các tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, song vẫn mang đậm những dấu ấn xa xưa. Đó cũng là một xu hướng mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang hướng tới, là trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, một không gian sáng tạo của thành phố Hà Nội, nơi bảo tồn, tôn vinh những di sản văn hóa của dân tộc một cách sáng tạo, độc đáo nhất./.
Thực hiện: Thu Hương –Chí Phương