Video Tin trong nước

Đẩy giá lên trước, khuyến mãi, giảm giá sau là hành vi vi phạm pháp luật

Từ 27/11, tuần lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam đã được kích hoạt. Trên các trang mạng, ứng dụng mua sắm trực tuyến tràn ngập quảng cáo giảm giá lớn. Tuy nhiên, liệu giá có thực sự giảm hay bị "thổi giá" trước khi giảm nhằm thu hút khách hàng?
22:02 - 28/11/2023

Đẩy giá lên trước, khuyến mãi, giảm giá sau là hành vi vi phạm pháp luật

Những baner đầy hấp dẫn như: giảm giá khủng 70% - 90%, “mua 1 tặng 1”, “sale 90%”, “nhanh tay kẻo hết”,… ngập tràn trên các trang bán hàng online, quảng cáo cho hàng loạt sản phẩm từ áo quần, mỹ phẩm đến đồ gia dụng.   Nhưng không ai dám chắc những quảng cáo đó là thật. Thực tế, đã có không ít người bán đã tự kê giá lên cao trước khi giảm.

Những phản ánh về việc mua phải hàng giảm giá chất lượng không đúng với quảng cáo trong mùa mua sắm online, hoặc hàng bị thổi giá trước khi quảng cáo giảm giá khiến người mua cảm giác bị lừa đảo.... dễ dàng có thể bắt gặp trên các trang mạng xã hội. Tình trạng này không phải mới xuất hiện. Từ nhiều năm trước, tình trạng thổi giá lên trước khi giảm xảy ra phổ biến khiến dù có đại hạ giá thì người bán vẫn thu lợi nhuận khủng.

Không chỉ trong cao điểm mua sắm online cuối năm mà nhằm cạnh tranh với nhau thì các đơn vị, cá nhân bán hàng thường xuyên thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá. Tuy nhiên, việc nâng khống giá rồi quảng cáo giảm giá nhằm đánh vào tâm lý khách hàng ham rẻ kích thích sức mua, cho thấy đây là hành vi lừa dối khách hàng khi cung cấp thông tin không chính xác về giá cả của sản phẩm. Căn cứ quy định tại Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi nâng giá sản phẩm trước rồi mới giảm giá là vi phạm về cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi.

Bước vào cao điểm mua sắm online năm nay, Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương khẳng định đã có phương án để kiểm soát tình trạng này.

Đồng hành cùng các giải pháp của các cơ quan quản lý, cần có sự vào cuộc của những doanh nghiệp, tổ chức cung cấp các nền tảng trung gian, kết nối các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử để có thể giúp quá trình kiểm soát môi trường thương mại điện tử được hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn, kinh tế số tại Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng thì các vấn đề trên môi trường mua sắm trực tuyến càng đặt ra cho các cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp, tổ chức trách nhiệm làm sạch không gian thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, cũng là góp phần quan trọng vào xây dựng một nền kinh tế số phát triển bền vững./.

Thực hiện: Vũ Đào - Trọng Khánh - Lê Hải