Đẩy mạnh liên kết vùng, tăng tỷ lệ người Việt Nam dùng nông sản Việt Nam
Thời gian qua, câu chuyện liên kết vùng đã được nhiều địa phương tích cực triển khai, rõ nét nhất là thông qua việc đẩy mạnh liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó nông sản Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến và tin dùng. Điều này cũng góp phần giải quyết tình trạng được mùa mất giá trong nhiều năm qua.
Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP. HN vốn nổi tiếng bởi nghề trồng cây cảnh lâu năm. Tháng 8/2014, HTX Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân được thành lập nhằm liên kết các hộ nông dân để sản xuất theo hướng chuyên canh. Đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm trà được công nhận OCOP 4 sao là trà Chùm ngây, trà Trâu cổ, trà Kim ngân hoa. Khi Hồng Vân trở thành điểm du lịch trải nghiệm của thành phố, HTX Hồng Vân lại càng có cơ hội giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm này đến bạn bè trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ở quy mô rộng hơn, những hội chợ triển lãm như thế này chính là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm nông sản. Có mặt tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 – AgroViet 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã mang đến đây nhiều loại nông sản chủ lực vừa để giới thiệu quảng bá, vừa để kết nối với các địa phương khác trên cả nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, rất cần cần đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, từ đó chủ động tổ chức sản xuất - kinh doanh. Qua đó, góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.
Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội. Theo các chuyên gia, tới đây liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho cả nước. Trước mắt, liên kết vùng sẽ mở ra cơ hội tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp, nông sản của doanh nghiệp được người tiêu dùng cả nước biết đến và tiêu dùng nhiều hơn. Về lâu dài, liên kết vùng để cùng đi xa, phát triển bền vững hơn./.
Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng – Trọng Khánh.