Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh: Cần giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh của nước ta còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, khó khăn thách thức là rất lớn. Hiện nay cơ chế, chính sách của nước ta chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, trong khi nguồn nhân lực công nghệ mới chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển....
Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để nắm bắt cơ hội đang mở ra phía trước, cần có chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh với những mục tiêu, lộ trình cụ thể và đồng bộ. Đối với doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu./
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh