Nhận thức rõ áp lực của phát triển dịch vụ vận tải công cộng đối với phát triển đô thị, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cũng như các địa phương đã xác định phát triển vận tải công cộng là giải pháp tối ưu và được ưu tiên phát triển để giải quyết tình trạng trên.
Mới đây, Hà Nội đã tổ chức vận hành một hình thức vận tải công cộng mới khá đặc biệt với sức chứa chỉ 22 chỗ. Tuyến xe này sẽ có nhiệm vụ kết nối, gom khách cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Động, kết nối nhiều điểm đến thu hút đông người dân như khu liên cơ, nơi người dân tập trung giải quyết thủ tục hành chính, hay các điểm du lịch, vui chơi giải trí và khu phố cổ của Hà Nội.
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phương thức vận tải hành khách công cộng chủ yếu vẫn bằng xe buýt, riêng Thủ đô đã có thêm 3 phương thức vận tải khối lượng lớn là buýt nhanh BRT, buýt mini và đường sắt đô thị. Với quan điểm dành ưu tiên cho phát triển vận tải công cộng trong đô thị, các đề án, quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đều đặt mục tiêu và giải pháp phát triển loại hình này.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các hành lang giao thông chính như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, làn đường dành riêng cho BRT, đường liên tỉnh… Đặc biệt, ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải khách công cộng trong đô thị, cần tập trung chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên tỉnh.
Trong khi chờ đợi quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đô thị, liên tỉnh mang tính dài hạn và khả thi, cần tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân song song với phát triển vận tải công cộng. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu tiên cho phát triển loại hình này. Chủ trương phát triển phải được cụ thể hóa bằng các chính sách ưu tiên, ưu đãi gián tiếp và trực tiếp.
Thu Hương – Minh Quân – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.