Video Tin trong nước

Để an toàn vệ sinh lao động không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu

“Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro”, “Cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc”… đó là những khẩu hiệu, mục tiêu rất thiết thực được đặt ra hàng năm mà bắt đầu từ Tháng 5 - tháng An toàn vệ sinh lao động.
20:07 - 26/05/2022

Tuy nhiên, sau mỗi lần phát động, việc chuyển hoá các mục tiêu trên thành hành động là vấn đề không hề dễ dàng.

Gần 1 năm trôi qua nhưng đến giờ chị Lý Thị Giang vẫn chưa hết bàng hoàng. Vụ tai nạn lao động trong sản xuất hầm lò tại Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên hồi tháng 10 năm ngoái khiến chồng chị, anh Lăng Văn Trúc trấn thương sọ não và tử vong. Thiếu chỗ dựa, lại gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ của 2 đứa con với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cuộc sống của chị Giang trở nên rất khó khăn.

Không riêng gia đình chị Lý Thị Giang, năm 2021, cả nước đã xảy ra 6.500 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.600 người bị nạn, hơn 780 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4 nghìn tỷ đồng và hơn 116 nghìn ngày công. 

Đặc biệt, trong phần lớn các vụ tai nạn lao động xảy ra thì nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sự bất cẩn của người lao động hoặc chủ sử dụng lao động không trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa tuân thủ điều kiện làm việc an toàn.

Với phương châm lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên số 1, Tháng An toàn vệ sinh lao động năm nay có chủ đề là: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. 

Tuy nhiên, an toàn vệ sinh lao động liệu có dừng lại ở khẩu hiệu hay không? Những ý nghĩa thiết thực của Tháng hành động có được lan toả hay không? Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan ban ngành thì cần hơn hết là việc nâng cao nhận thức người sử dụng lao động và chính mỗi người lao động. 

Minh Quyên - Ngọc Toàn

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.