Thay vì để mặc cho những cá nhân nghệ nhân mỏi mòn tìm truyền nhân, thì rất cần có một chính sách bảo tồn kịp thời và bài bản.
Đã nhiều năm rong ruổi với cây đàn tính, nghệ nhân này mang trong mình một tâm nguyện là trước khi mất đi, tất cả những giá trị nghệ thuật hát Then của dân tộc Nùng đang được bà nắm giữ sẽ được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, và được đông đảo nhân dân, bạn bè quốc tế biết đến.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2019. Thế nhưng việc bảo tồn và phát huy những di sản này vẫn chưa thực sự tương xứng. Thực hành Then chỉ là một trong rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của Việt Nam cùng chung cảnh ngộ.
Khi du lịch phát triển, những đặc sản văn hóa dân tộc nhờ đó cũng có điều kiện được nhiều người biết đến hơn, trở thành những giá trị làm nên đặc trưng của mỗi điểm đến thu hút du khác. Thế nhưng không phải địa phương nào, điểm đến du lịch nào cũng có sự đầu tư thích đang cho các hoạt động nghệ thuật dân gian.
Rõ ràng, việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian không thể chỉ dựa vào cá nhân các nghệ nhân hay một nhóm người lẻ tẻ. Cần có sự đầu tư xứng tầm và kịp thời. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định về việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”.
Hy vọng rằng, cùng với những chính sách bảo tồn của Nhà nước, những giá trị phi vật thể của đất nước sẽ được kịp thời bảo tồn và phát huy giá trị tích cực đối với sự phát triển đất nước. Để khi những nghệ nhân này nằm xuống, chúng ta không phải luyến tiếc vì sự mất mát cả về con người và những giá trị nghệ thuật tinh túy.
Thực hiện: Vũ Đào - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.