ĐỂ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRỞ THÀNH MŨI NHỌN CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA
Làng nghề sản xuất nón lá Ba Đề, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở giai đoạn cực thịnh, nghề truyền thống này từng là "cứu cánh" trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân địa phương. Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện tại, nón lá Ba Đề đang đứng trước nguy cơ mai một.
Để phát huy thế mạnh của các làng nghề thủ công mỹ nghệ trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển làng nghề; chú trọng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại… Và hơn cả là cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ thiết thực và hiệu quả.
Nhiều năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu./.
Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng – Chí Phương – Trọng Đại