Ngay lập tức kế hoạch này nhận được sự chú ý đặc biệt của người dân Thủ đô, đô thị có tới 5,6 triệu dân đang sử dụng xe máy. Và câu hỏi mà nhiều người đặt ra nhất trong thời điểm hiện tại, đó là phương tiện gì sẽ thay thế được 5,6 triệu xe máy hiện hành sau năm 2025.
Năm 2017, Hà Nội cũng từng đặt ra mục tiêu “hạn chế xe máy” sau năm 2030 với cuộc khảo sát lên tới 90% người dân không đồng tình. 4 năm sau tức là năm nay, 2021, Hà Nội lại tiếp tục đặt ra mục tiêu “hạn chế xe máy”, nhưng với 1 kế hoạch “gấp rút” là sau 2025. Với nhiều người, chiếc xe máy là “cần câu cơm”, giúp gia đình có thêm thu nhập hàng ngày. Nếu Hà Nội cấm xe máy trong nội đô, nỗi lo mưu sinh sẽ trở nên nặng gánh hơn đối với họ.
Vấn đề đặt ra lúc này, đó là, trong trường hợp buộc phải bỏ xe máy thì loại hình vận tải nào sẽ thay thế được 5,6 triệu xe máy hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này là hoàn toàn chính xác và là xu thế chung của các đô thị lớn trên thế giới. Thế nhưng, nên áp dụng vào thời điểm nào và áp dụng như thế nào mới là lời giải mà chúng ta cần tìm.
Hà Nội trước đây cũng từng đặt mục tiêu đến 2030 vận tải công cộng sẽ đạt từ 25 – 30% nhu cầu đi lại của người dân. Vậy khi cấm xe máy vào 2025 thì mục tiêu phấn đấu của vận tải công cộng cũng cần phải tính toán lại. Trước mắt, Hà Nội nên có sự chuẩn bị tốt điều kiện “cần” là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để điều kiện “đủ” là người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng. Lúc đó, bài toán “cấm xe máy” nội đô mới khả thi.
Thu Hương – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.