Đề xuất phương án thi 2+2: Bỏ môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc
Phương án thi 2+2 (gồm 2 môn bắt buộc Toán, Văn và 2 môn tự chọn) được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định là đáp ứng một số yêu cầu. Trước hết, đây là phương án hài hòa nhất để không gây mất cân bằng trong việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Bên cạnh đó, tác động rõ nhất là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất về phương án này là vai trò của môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Nhiều chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực hội nhập quốc tế khi học sinh không có động lực, không có áp lực, trong bối cảnh kết quả thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua, vẫn còn có gần 50% điểm thi Ngoại ngữ dưới trung bình.
Song cũng có ý kiến cho rằng mặc dù ngoại ngữ rất quan trọng nhưng ai thực sự cần dùng đến mới nên học sâu vì ngoại ngữ phải là sinh ngữ thì mới đúng ý nghĩa của việc học, chứ không nên học “cào bằng”, tập trung như hiện nay.
Việc môn Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn tự chọn, ở một khía cạnh nào đó, có thể giải phóng nhu cầu tự học ngoại ngữ của học sinh. Các em sẽ quyết định chọn học Ngoại ngữ theo năng lực, sở trường và nhu cầu xét tuyển đại học hay định hướng nghề nghiệp.
Theo phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, có 9 môn thi để học sinh lựa chọn dự thi, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng đề thi minh họa của 17 môn thi (bao gồm các môn ngoại ngữ khác nhau) và sẽ công bố trong quý 4-2023./.
Thực hiện: Anh Vũ – Sỹ Thành – Chí Phương