+ Dự kiến, giá vé sẽ được điều chỉnh theo cự ly tuyến, cụ thể, dưới 15 km có mức tăng thấp nhất 1.000 đồng; từ 15 - 25 km tăng 3.000 đồng; từ 25 - 30 km tăng 4.000 đồng; từ 30 - 40 km tăng 6.000 đồng; trên 40 km tăng cao nhất 11.000 đồng. Còn giá vé tháng sẽ có mức tăng trung bình 40%... Đối tượng được miễn tiền vé xe bus vẫn giữ nguyên như hiện nay. Theo nhiều người dân, việc điều chỉnh giá vé xe buýt tăng từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn, tùy theo cự ly các tuyến không tác động lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt. Tuy nhiên, tăng giá tiền dù ít hay nhiều đều phải gắn liền với chất lượng.
Còn đối với sinh viên, học sinh là đối tượng thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển thì mức tăng giá vé dù ít hay nhiều cũng khiến họ không khỏi băn khoăn.
Đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định qua những lần cơ cấu lại giá vé buýt, người dân không quan tâm đến về giá vé vận tải mà là độ tiện lợi của loại hình này.
Dự kiến, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng/năm. Doanh thu tăng thêm từ đó sẽ là nguồn lực rất đáng kể với mạng lưới xe buýt. Vấn đề là phần tăng thêm đó sẽ được sử dụng như thế nào, có mang lại hiệu quả thiết thực hay không?
Khoảng thời gian 9 năm giữ nguyên giá vé xe buýt là khá dài. Các mức tăng của vé lượt, vé tháng, vé liên tuyến… đều không đáng kể, vẫn là mức rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của người dân. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc cần một cuộc cải tổ toàn diện mạng lưới xe buýt từ nhân lực đến vật lực, phong cách phục vụ. Lúc đó, xe buýt mới thật sự hấp dẫn người dân, và các thành phố lớn mới đạt được mục tiêu phát triển vận tải khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương